Việt Nam có chương trình trọng điểm quốc gia về công nghệ 4.0
Nguồn vnexpress.net- Chương trình nghiên cứu ứng dụng, phát triển và chuyển giao một số công nghệ chủ chốt của công nghiệp 4.0 mà Việt Nam có lợi thế.
Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia thực hiện từ năm 2019 đến 2025 gồm các nghiên cứu nhằm hỗ trợ thí điểm đổi mới mô hình quản trị, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong lĩnh vực chủ chốt theo hướng chuyển đổi số.
Các nghiên cứu ứng dụng và phát triển robot thuộc nhóm 1 của chương trình. Ảnh minh họa: ST. |
Hiện Bộ Khoa học và Công nghệ đã có thông báo tới các tổ chức, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, viện nghiên cứu, trường đại học trên cả nước để đề xuất đề tài/dự án khoa học và công nghệ. Các đề xuất sẽ được tiếp nhận theo 3 nhóm nội dung.
Ở nhóm 1 là các nghiên cứu, phát triển, chuyển giao và ứng dụng các công nghệ chủ chốt của công nghiệp 4.0 (Trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, phân tích dữ liệu lớn, Internet kết nối vạn vật, mạng di động thế hệ thứ 5, robot, điện toán đám mây...) để tạo ra các sản phẩm trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ như: y tế, du lịch, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, công nghiệp chế biến và chế tạo, giáo dục - đào tạo và dạy nghề, giao thông, xây dựng, thông tin - truyền thông, tài nguyên - môi trường, quốc phòng, an ninh.
Nhóm 2 gồm các đề tài nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu và hạ tầng số làm nền tảng, phục vụ phát triển và ứng dụng công nghệ chủ chốt của công nghiệp 4.0.
Nhóm 3 tập trung vào nghiên cứu các mô hình chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, và triển khai mô hình quản trị, sản xuất kinh doanh của các tổ chức, các doanh nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên và quan trọng theo đinh hướng chuyển đổi số, thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0.
Chương trình dành sự ưu tiên cho các đề xuất của các công ty khởi nghiệp sáng tạo hoàn thiện công nghệ; đổi mới và triển khai mô hình quản trị, sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực quan trọng; các đề xuất có sự đặt hàng và tài trợ từ doanh nghiệp; đề xuất có sản phẩm có thể triển khai ứng dụng trực tiếp trong đời sống, có sự lan tỏa trong xã hội; các đề xuất nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các công nghệ chủ chốt của công nghiệp 4.0.