Nguồn vốn tín dụng chính sách điểm tựa vững chắc giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách là Hội viên Hội Nông dân Thị trấn Pơng Drang vươn lên trong cuộc sống
Thời gian qua, nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Krông Búk đã trở thành điểm tựa vững chắc giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vươn lên, góp phần thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, nâng cao chất lượng đời sống, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Đưa vốn Ngân hàng CSXH đến đúng đối tượng thụ hưởng:
Ông Trần Văn Quang (Tổ dân phố 14, trị trấn Pơng Drang, huyện Krông Búk) cho biết, thông qua Tổ TK&VV thuộc Hội Nông dân, ông được tiếp cận nguồn vốn hộ cận nghèo của Ngân hàng CSXH, với số tiền 50 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, ông đầu tư cho vườn cây cà phê trong những năm qua giá cà phê ổn định cho thu nhập khá gia đình dần ổn định cuộc sống.
Để nguồn vốn tín dụng chính sách phát huy được hiệu quả không thể không kể đến vai trò của các Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV). Các tổ TK&VV được thành lập nhằm tập hợp các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu vay vốn để sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống; cùng tương trợ giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống; cùng liên đới chịu trách nhiệm trong việc vay vốn và trả nợ ngân hàng.
Tổ TK&VV Tổ dân phố 14, thị trấn Pơng Drang, huyện Krông Búk có 58 thành viên, tổng dư nợ đến nay khoảng 4 tỷ đồng. Ông Phạm Quốc Đạt - Tổ trưởng Tổ TK&VV cho biết, ông làm Tổ trưởng từ tháng 5/2013. Thời gian qua, hoạt động của Tổ có được nhiều thuận lợi, nhờ nhận được sự quan tâm của Hội Nông dân, UBND Thị trấn, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện; ông cho biết ông nhận bàn giao Tổ từ năm 2013 trước đây Tổ hoạt động không hiệu quả nhiều hộ để nợ quá hạn, đi làm ăn xa dẫn đến nợ lãi tồn động cao, sau đó nhờ sự phối hợp giữa NHCSXH huyện với chính quyền địa phương, Hội Nông dân thị trấn, Ban tự quản Tổ dân phố và cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn thường xuyên sâu sát tại cơ sở vì vậy đến năm 2014 Tổ dần đi vào ổn định và duy trì chất lượng cho đến nay là Tổ không có nợ quá hạn, nợ khoanh, không có lãi tồn, tiết kiệm hàng tháng các thành viên nộp đều theo quy ước hoạt động của Tổ. Để duy trì và bảo đảm hoạt động hiệu quả, Tổ TK&VV tổ chức bình xét công khai dân chủ, cho vay đúng đối tượng, quan tâm cho vay đối với những hộ có phương án sản xuất kinh doanh khả thi. Đồng thời, Tổ chủ động định hướng cho các tổ viên đầu tư, áp dụng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, phù hợp với mức vốn đầu tư và nhu cầu tiêu dùng sản phẩm của thị trường.
Họp giao ban tại điểm giao dịch xã
Theo bà Lê Thị Duyên– Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn, Hội có 11 tổ TK&VV, tổng dư nợ 23.566 triệu đồng, với 403 hộ còn dư nợ; trong đó: nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm 13.099 triệu đồng, với 225 hộ; hộ cận nghèo 3.700 triệu đồng, với 58 hộ; hộ nghèo 1.198 triệu đồng, với 19 hộ; hộ mới thoát nghèo 2.383 triệu đồng, với 39 hộ; cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 1.627 triệu đồng, với 42 hộ; cho vay nhà ở xã hội 672 triệu đồng, với 02 hộ; học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn 579 triệu đồng, với 16 hộ; cho vay hộ nghèo về nhà ở 38 triệu đồng, 02 hộ; cho vay người chấp hành xong án phạt tù 270 triệu đồng, với 03 hộ...
Nguồn vốn tín dụng chính sách giúp cho nhiều Hội viên Hội Nông dân vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh. Các Tổ trưởng tổ TK&VV kịp thời triển khai các chủ trương, chính sách của Nhà nước về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo đúng thủ tục vay vốn của Ngân hàng CSXH... đồng thời nhắc nhở thành viên đóng lãi, tiết kiện đúng hạn. Nhờ hiệu quả nguồn vốn vay, Hội viên Hội Nông dân trên địa bàn thị trấn làm ăn kinh tế ổn định, hạn chế phát sinh nợ quá hạn, nợ khoanh (là đơn vị trên địa bàn huyện không có nợ quá hạn, nợ khoanh).
Xác định nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi là "đòn bẩy" để hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách khác, thời gian qua; Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Krông Búk đã bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, của địa phương nhanh chóng đưa vốn chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng.
Ảnh: Ông Trương Duy Hải – Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Krông Búk phát biểu tại buổi họp giao ban
Ông Trương Duy Hải – Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Krông Búk cho biết, trong thời gian qua đơn vị luôn được Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, BĐD HĐQT NHCSXH huyện luôn quan tâm đến công tác tín dụng chính sách trên địa bàn, chỉ đạo đơn vị thực hiện tốt công tác tín dụng chính sách xã hội trên cơ sở bám sát các chỉ tiêu mà Nghị quyết đề ra hằng năm. Đồng thời phối hợp tốt với các đơn vị nhận nguồn vốn uỷ thác, các cơ quan, ban, ngành có liên quan triển khai kịp thời, đầy đủ các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về tín dụng chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, với phương châm bảo đảm 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn đều được thụ hưởng các chương trình.
Để phát huy hơn nữa nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn huyện. Thời gian tới, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Krông Búk tiếp tục tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và các cơ quan liên quan thực hiện tốt Chỉ thị số Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới; công văn số 1069/TTg-KTTH ngày 17/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai Chỉ thị số 39-CT/TW của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội; trọng tâm tăng cường nguồn lực từ địa phương hỗ trợ thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.
Tác giả: NHCSXH huyện Krông Búk