Người dân cần thận trọng không nghe theo hiện tượng tôn giáo pháp luân công và tích cực bài trừ
Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân là chủ trương, chính sách nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước Việt Nam và được thể chế hóa bằng hệ thống pháp luật, vì đây là một trong những quyền cơ bản của mọi người, được Hiến pháp năm 1946 đến Hiến pháp năm 2013 khẳng định trên nguyên tắc hiến định. Cộng đồng các tôn giáo Việt Nam đã và đang đóng góp vô cùng quan trọng về nhiều mặt đối với sự phát triển và đoàn kết của dân tộc Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những tôn giáo chính thống được Nhà nước công nhận, vẫn có một số giáo phái, tà đạo, hiện tượng tôn giáo mới lợi dụng nhiều con đường để du nhập vào Việt Nam với mục đích xấu, trong đó có Pháp luân công. Tại sao lại gọi Pháp luân công là hiện tượng tôn giáo mới chưa được phép hoạt động, bài viết sau đây xin phân tích những mặt trái về giáo phái này để người dân hiểu rõ, tích cực bài trừ và tránh bị lợi dụng.
Pháp luân công còn có tên gọi khác là Pháp luân đại pháp do Lý Hồng Chí (sinh năm 1952 tại Cát Lâm, Trung Quốc) lập ra năm 1992. Năm 1993, hội nhóm này được biết đến với tên gọi “Hội nghiên cứu Pháp luân đại pháp”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy Pháp luân công không phải tôn giáo, tín ngưỡng, cũng không có sự sáng tạo nào kể cả kết quả nghiên cứu khoa học hay lý thuyết tư tưởng hệ, mà chỉ dựa trên cơ sở vay mượn, cắt xén của các tôn giáo khác để hình thành. Cụ thể, Pháp luân công tự cho mình là một hệ phái Phật giáo, nhưng các bài tập theo Pháp luân công bản chất là sự tạp pha theo lịch sử khí công đã được nhà sư Phật giáo, võ sỹ Đạo giáo và học giả Nho giáo luyện tập từ xa xưa, xem như một hình thức cải thiện tinh thần, đạo đức và thể chất.
Tổ chức của Pháp luân công không có nhà thờ hoặc nơi thờ tự, quyền năng chỉ được trao duy nhất trong các bài giảng của người thành lập là Lý Hồng Chí. Xét về phạm vi tổ chức, Pháp luân công được thực hiện thông qua cộng đồng kết nối toàn cầu chủ yếu là trực tuyến. Lý Hồng Chí dùng các trang thông tin điện tử để điều phối hoạt động và giảng bài.