Điểm giao dịch xã cầu nối giữa Ngân hàng Chính sách với người nghèo và các đối tượng chính sách khác
Ngân hàng chính sách xã hội hoạt động với mục tiêu xóa đói giảm nghèo không vì mục đích lợi nhuận. Ngân hàng chính sách xã hội được tổ chức theo 3 cấp, ở mỗi cấp đều có bộ máy quản trị và bộ máy điều hành tác nghiệp. Cách tổ chức như vậy là để thực hiện chủ trương xã hội hóa, dân chủ hóa, thực hiện công khai, minh bạch hoạt động tín dụng chính sách.
Để hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách nhanh và hiệu quả thì Điểm giao dịch xã là hoạt động đặc trưng riêng có của Ngân hàng Chính sách xã hội, hoạt động giao dịch xã đã giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ thuận lợi, tiết giảm chi phí, thực hiện quy chế dân chủ, công khai và tăng cường sự giám sát của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực thi tín dụng chính sách để kịp thời đưa nguồn vốn ưu đãi đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội.
Điểm giao dịch xã Cư Né
Điểm giao dịch xã là nơi Ngân hàng tổ chức giao dịch với khách hàng, tổ chức, cá nhân liên quan trên địa bàn một xã, được đặt trong một khuôn viên trụ sở ủy ban nhân dân cấp xã. Phiên giao dịch xã diễn ra vào ngày cố định hàng tháng, kể cả ngày nghỉ cuối tuần. Những phiên giao dịch có lịch cố định trùng vào các ngày nghỉ lễ, tết thì được nghỉ giao dịch nhưng phải tổ chức giao dịch bù.
Đến nay, NHCSXH huyện Krông Búk đã tổ chức 7 điểm giao dịch tại 7 xã, thị trấn. Tại các điểm giao dịch được trang bị đầy đủ biển chỉ dẫn, biển hiệu, bảng tin, thông báo chính sách, hòm thư góp ý, sao kê công khai dư nợ, các trang thiết bị làm việc để đảm bảo phục vụ khách hàng một cách tốt nhất. Hàng tháng, NHCSXH tổ chức giao dịch đầy đủ, đúng lịch, vận chuyển tiền xuống tận điểm giao dịch để giải ngân, thu nợ, nhận và chi trả tiền gửi tiết kiệm của dân cư. Khách hàng được trực tiếp giao dịch với NHCSXH ngay tại địa phương để gửi tiền, tiết kiệm, nhận tiền vay và trả nợ dưới sự chứng kiến của cán bộ tổ chức chính trị - xã hội được ủy thác, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn và chính quyền cấp xã.
Hoạt động của các điểm giao dịch xã của NHCSXH trên địa bàn huyện được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao và nhân dân đồng tình ủng hộ. Chất lượng hoạt động của điểm giao dịch ngày càng được nâng cao, tỷ lệ giải ngân, thu nợ, thu lãi tại điểm giao dịch bình quân đạt trên 99%, tỷ lệ tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn đi giao dịch đúng lịch đạt 100%. Hầu hết mọi giao dịch của nhân dân với Ngân hàng được thực hiện nhanh chóng, thuận tiện tại điểm giao dịch.
Thông qua việc triển khai các điểm giao dịch xã được xem là giải pháp thiết thực trong cải cách thủ tục hành chính, tối ưu hóa thời gian giao dịch, thể hiện tinh thần trách nhiệm của cán bộ ngân hàng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là người dân sinh sống ở khu vực vùng sâu, vùng va, vùng nông thôn.
Việc tổ chức giao dịch vào ngày cố định tại điểm giao dịch xã được xem là phát huy quyền làm chủ của người dân, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện chức năng phản biện xã hội, tạo mối quan hệ gần gũi giữa nhân viên ngân hàng và người dân tạo điều kiện thuận lợi cho người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách.
Tác giả: NHCSXH huyện Krông Búk